Khi tìm hiểu về lĩnh vực xử lý hình ảnh và thị giác máy tính, chắc chắn sẽ không thể bỏ qua những nội dung về OpenCV (Open Source Computer Vision Library). Là một thư viện mã nguồn mở phổ biến, OpenCV cung cấp rất nhiều công cụ hữu ích hỗ trợ cho các công nghệ quan trọng hiện nay như nhận dạng hình ảnh, phân tích video và ứng dụng trong trí tuệ nhân tạo. Trong bài viết này, cùng VNPT AI tìm hiểu OpenCV là gì? Và nó được sử dụng như thế nào nhé!
Opencv là gì?
Thư viện xử lý ảnh OpenCV (Open Source Computer Vision Library) là một thư viện mã nguồn mở chuyên dùng trong các lĩnh vực xử lý ảnh và thị giác máy tính. Được phát triển từ năm 1999 bởi Intel, OpenCV đã trở thành một công cụ không thể thiếu trong nhiều ứng dụng từ nhận diện khuôn mặt, phát hiện chuyển động cho đến nhận dạng vật thể. Với hàng nghìn thuật toán được tích hợp sẵn, OpenCV cung cấp một nền tảng hoàn chỉnh cho các dự án phát triển phần mềm về xử lý ảnh và video.

Phân loại và tính năng nổi bật của các module trong OpenCV
OpenCV được tổ chức thành các module khác nhau, mỗi module có nhiệm vụ riêng biệt nhưng lại hỗ trợ lẫn nhau để hoàn thành các tác vụ phức tạp.
- Core(core): Module Core là nền tảng cơ bản của OpenCV, chứa các cấu trúc dữ liệu cơ bản và các chức năng mà tất cả các module khác đều cần đến như hỗ trợ tính toán ma trận, xử lý số học.
- Image Processing(imgproc): Module Image Processing là module quan trọng nhất trong OpenCV, chuyên dùng để xử lý và biến đổi hình ảnh. Các tính năng chính bao gồm lọc ảnh, biến đổi hình học, chuyển đổi không gian màu, phân tích biểu đồ,...
- Video Analysis (video): Module Video trong OpenCV hỗ trợ các thuật toán phân tích video như ước tính chuyển động, tách nền, theo dõi đối tượng.
- Camera Calibration and 3D Reconstruction (calib3d): Module Calib3d chứa các thuật toán liên quan đến hiệu chuẩn máy ảnh và tái tạo 3D từ ảnh 2D, có khả năng hiệu chuẩn camera đơn và stereo, dự đoán hình dáng đối tượng, Stereo Correspondence,...
- 2D Features Framework (features2d): Module Features2d giúp phát hiện, mô tả và đối sánh đặc trưng trong ảnh bằng các thuật toán như SIFT, SURF, ORB
- Object Detection (objdetect): Module Objdetect chuyên dùng để phát hiện các đối tượng trong ảnh hoặc video. Các tính năng nổi bật có thể kể đến như nhận diện khuôn mặt trong ảnh hoặc video, phát hiện các đối tượng khác thông qua hàm được định nghĩa sẵn.
- High-level GUI (highgui): Module Highgui cung cấp các công cụ giao diện người dùng (GUI) đơn giản để giúp người dùng tương tác với chương trình. Nó hỗ trợ hiển thị ảnh và video cũng như tạo giao diện đơn giản.
- Video I/O (videoio): Module Videoio hỗ trợ nhập và xuất video như ghi lại video từ các thiết bị như camera hoặc video trực tuyến. Ngoài ra, module còn hỗ trợ nhiều định dạng video phổ biến như AVI, MP4,...

Các thuật toán chính được sử dụng trong OpenCV
OpenCV có khả năng thực hiện nhiều tác vụ như phân loại hình ảnh, phát hiện và phân đoạn đối tượng, trích xuất đặc điểm và thậm chí nhận dạng chữ viết tay của con người,.... nhờ một bộ hơn 2500 thuật toán đã được tối ưu. Trong đó các thuật toán phổ biến nhất có thể kể đến như:
- Thuật toán Support Vector Machines (SVM) và K-Nearest Neighbors (KNN): Đây là hai thuật toán phổ biến trong việc phân loại và nhận dạng mẫu, được áp dụng trong các nhiệm vụ như: nhận diện chữ viết tay, phân loại khuôn mặt và các bài toán xử lý ảnh khác.
- Cây Quyết Định (Decision Trees): Thuật toán này có thể kết hợp với các phương pháp học máy khác như Random Forest hoặc Gradient Boosting để tăng hiệu quả, đặc biệt trong các bài toán như phát hiện đối tượng và phân đoạn ảnh.
- Deep Learning: OpenCV hỗ trợ triển khai các mô hình học sâu từ các framework như TensorFlow và PyTorch, giúp thực hiện các tác vụ như nhận diện đối tượng, phân loại và phân đoạn ảnh.
- YOLO: Thuật toán phát hiện đối tượng nổi bật, cho phép nhận diện nhiều đối tượng trong một lần quét ảnh duy nhất.

Ứng dụng của OpenCV trong thực tế
Phân tích đặc trưng 2D và 3D
OpenCV cung cấp các công cụ phân tích các đặc trưng 2D và 3D trong hình ảnh và video như so khớp hình ảnh, theo dõi đối tượng và ứng dụng thực tế ảo (AR). Ví dụ, OpenCV có thể phát hiện và so khớp các đặc điểm chính trong hình ảnh để tạo ra ảnh toàn cảnh (panorama) từ nhiều hình ảnh khác nhau. Hoặc kết hợp với các công cụ như OpenMVG, COLMAP hoặc thư viện Structure from Motion (SfM) để có thể tạo ảnh 3D.
Nhận diện khuôn mặt và mở khóa thiết bị
Thêm một ứng dụng phổ biến của OpenCV là nhận diện khuôn mặt đã được sử dụng trong nhiều hệ thống bảo mật. OpenCV có thể nhận diện khuôn mặt và giúp mở khóa điện thoại thông minh hoặc cấp quyền truy cập vào các khu vực bảo mật bằng cách nhận diện khuôn mặt người dùng.
Nhận diện cử chỉ và tương tác giữa người và máy tính
OpenCV giúp phát triển các hệ thống nhận diện cử chỉ, cho phép người dùng tương tác với máy tính hoặc các thiết bị thông qua các cử chỉ và chuyển động tay. Công nghệ này rất phổ biến trong các trò chơi, thực tế ảo (VR),... Ví dụ webcam có thể theo dõi chuyển động tay của người dùng, cho phép điều khiển các hành động trên màn hình như điều hướng menu hay chơi game mà không cần sử dụng bộ điều khiển vật lý.
Hiểu chuyển động và phát hiện đối tượng
Các thuật toán của OpenCV thường được tích hợp trong các hệ thống giám sát, xe tự lái (nhận diện vạch đường, vật thể) và robot nhờ khả năng hiểu chuyển động và phát hiện đối tượng. Chẳng hạn như kỹ thuật "Background Subtraction" giúp nhận diện chuyển động khi phát hiện một vật thể đã xuất hiện trong khung hình. Hoặc Optical Flow và Deep Learning cũng là hai nhóm thuật toán thường được sử dụng để theo dõi đối tượng trong thời gian thực.

Tạo hiệu ứng 3D và độ sâu
OpenCV hỗ trợ một số kỹ thuật xử lý ảnh và video liên quan đến hiệu ứng 3D như ước lượng độ sâu từ ảnh stereo (với các thuật toán như StereoBM và StereoSGBM) và theo dõi chuyển động (Optical Flow). Tuy nhiên, để tạo ra đồ họa 3D hoàn chỉnh hoặc các hiệu ứng thị giác phức tạp thường cần kết hợp OpenCV với các công cụ chuyên biệt như OpenGL, Unreal Engine hoặc các phần mềm dựng hình 3D.
Các ngôn ngữ lập trình phổ biến được sử dụng trong OpenCV
Hiện nay, OpenCV hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình, mỗi ngôn ngữ có ưu điểm và thế mạnh riêng, phù hợp với các mục đích và nhu cầu khác nhau. Một số ngôn ngữ thường được sử dụng với OpenCV:
C++
Hiện nay, OpenCV được phát triển chủ yếu bằng ngôn ngữ lập trình nền tảng C++ bởi khả năng xử lý nhanh và hiệu quả. C++ cho phép người dùng kiểm soát sâu về bộ nhớ và tài nguyên hệ thống, rất phù hợp với các dự án cần xử lý dữ liệu hình ảnh có độ phức tạp cao, đặc biệt trong các ứng dụng thời gian thực. Tuy nhiên, việc lập trình bằng C++ yêu cầu người dùng có kiến thức vững về cú pháp và các nguyên lý lập trình.
Python
Python là một ngôn ngữ lập trình rất phổ biến trong cộng đồng lập trình, đặc biệt là trong các lĩnh vực như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính. Python nổi bật nhờ cú pháp đơn giản, dễ đọc và dễ học cùng với khả năng phát triển nhanh chóng các ứng dụng. Python được sử dụng rộng rãi với OpenCV nhờ thư viện binding, giúp lập trình viên dễ dàng thao tác với các API C++ của OpenCV mà không cần quản lý bộ nhớ trực tiếp
Đặc biệt, OpenCV Python cơ bản còn giúp việc phát triển ứng dụng xử lý ảnh trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhược điểm của OpenCV Python là hiệu suất xử lý không thể so sánh với C++, không phù hợp với các ứng dụng yêu cầu xử lý ảnh nặng hoặc trong thời gian thực.

Java
Java là một ngôn ngữ lập trình đa nền tảng, tức là các ứng dụng Java có thể chạy trên nhiều hệ điều hành mà không cần thay đổi mã nguồn. Với OpenCV, Java cũng có thể được sử dụng để phát triển các ứng dụng nhận diện hình ảnh và xử lý video. Tuy nhiên, hiệu suất xử lý của Java thường không cao bằng C++ nên thường không được khuyến khích cho các dự án yêu cầu xử lý ảnh nhanh chóng.
C#
C# có thể sử dụng OpenCV thông qua thư viện EmguCV. Tuy nhiên, EmguCV yêu cầu người dùng phải đính kèm toàn bộ file *.dll, làm tăng kích thước ứng dụng.
Nếu cần tính toán hiệu suất cao, các lập trình viên thường ưa chuộng C++hơn, đặc biệt khi phải xử lý ảnh phức tạp. Còn nếu ưu tiên vấn đề UX/UI thì C# vẫn là một lựa chọn hàng đầu.
Những thách thức khi sử dụng OpenCV
Bên cạnh những tính năng nổi bật, người dùng cũng cần quan tâm đến các ưu nhược điểm của OpenCV như sau:
- Độ phức tạp: Với nhiều tính năng và chức năng, OpenCV có thể khiến người mới bắt đầu cảm thấy choáng ngợp và mất thời gian để làm quen.
- Thiếu tính năng nâng cao: OpenCV phù hợp với các tác vụ cơ bản và trung cấp nhưng thiếu các tính năng tiên tiến như các thư viện chuyên dụng cho học sâu như TensorFlow hay PyTorch.
- C++ là ngôn ngữ chính: Nền tảng OpenCV chủ yếu được viết bằng C++, điều này có thể gây khó khăn cho những lập trình viên quen thuộc với các ngôn ngữ cấp cao như Python hay Java.
- Quản lý phụ thuộc: Việc tích hợp OpenCV với các thư viện khác trong dự án phức tạp có thể gặp phải vấn đề tương thích và quản lý phụ thuộc.
- Hiệu suất: OpenCV có thể không tối ưu cho các tác vụ đặc thù yêu cầu hiệu suất cao, so với việc viết mã tùy chỉnh.
- Tài liệu hạn chế: Một số tài liệu của OpenCV có thể không đầy đủ hoặc đã lỗi thời, gây khó khăn trong việc tìm kiếm thông tin.
- Hạn chế trong học máy: OpenCV không phải là thư viện chuyên dụng cho học máy nên không thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu phức tạp như các thư viện học sâu.
Kết luận
Hy vọng với những chia sẻ của VNPT AI về “OpenCV là gì” đã giúp bạn hiểu hơn về công cụ đặc biệt này. Dù có một số thách thức khi sử dụng nhưng nhờ tính linh hoạt, hiệu suất cao và khả năng hỗ trợ nhiều ngôn ngữ lập trình, OpenCV vẫn là lựa chọn hàng đầu cho những ai muốn phát triển các dự án về xử lý ảnh và video. Với cộng đồng người dùng lớn và hệ thống tài liệu phong phú, OpenCV chắc chắn sẽ tiếp tục là nền tảng quan trọng trong việc nghiên cứu và phát triển công nghệ thị giác máy tính.